"Chúng ta không đầu tư ngắn hạn mà phải dài hạn, công nghệ ngang hàng các nước phát triển và có tính hội nhập cao", Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên phát biểu chiều 29/12.
> Bộ Tài nguyên phản bác ý kiến 'dự báo bão sai'
> Bộ Tài nguyên phản bác ý kiến 'dự báo bão sai'
Bộ trưởng Nguyên khẳng định Việt Nam trải qua năm 2009 với nhiều đợt thiên tai, bão lụt nặng nề. Trước đây, khi bão về chỉ lo chống bão, bão tan là xong. Nhưng những năm gần đây, khi bão tan mới là thời điểm phức tạp vì phải đối mặt với mưa lớn, lũ quét... Hay như triều cường ở TP HCM đã cao tới hơn 1,7 m và ngập vài lần trong một tháng.
Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, riêng với ngành khí tượng, không thể giữ tư duy đầu tư kiểu "con nhà nghèo". Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Ngoài ra, biến đổi khí hậu toàn cầu khiến các hiện tượng thời tiết trở nên rất khó dự báo, không theo quy luật. "Cơn bão Parma vừa qua xoắn số 8 liên tục, lòng vòng trên biển Đông gần tháng trời. Trong lịch sử khí tượng chưa ghi nhận cơn bão nào phức tạp như vậy", ông Nguyên nói.
Với đòi hỏi ngày càng cao của người dân và xã hội, Bộ trưởng Tài nguyên cho rằng, cần có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác dự báo. "Chủ trương của Bộ về đầu tư cho khí tượng thủy văn không phải theo kiểu con nhà nghèo mà phải cho con nhà giàu. Không đầu tư ngắn hạn mà phải dài hạn, công nghệ phải ngang hàng các nước phát triển và có tính hội nhập cao", ông Nguyên khẳng định.
Cũng trong buổi họp, ông Trần Văn Sáp, Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia cho rằng, năm 2009, ngành khí tượng đã làm tốt công tác dự báo. Thiệt hại về người trong năm chủ yếu do mưa lũ sau bão.
Sau bão số 9 - Ketsana, hàng nghìn người dân ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi bị mất nhà. Ảnh: Báo Quảng Nam. |
Tuy nhiên, ông Sáp thừa nhận, công nghệ dự báo của Việt Nam còn khá lạc hậu. Mật độ các trạm khí tượng hiện tại chưa thể đáp ứng được những bản tin chi tiết, chính xác. Trong năm 2010, ngành khí tượng sẽ đầu tư lắp đặt thêm 300 trạm đo mưa và 3 trạm radar trên toàn quốc. Trạm thu ảnh vệ tinh vận hành từ giữa 2009 cũng sẽ được đưa vào phục vụ dự báo thiên tai từ năm 2010...
"Năm 2009 đầu tư của nhà nước cho ngành khí tượng gấp đôi so với 2-3 năm trước nhưng như thế vẫn chưa đủ. Năm 2010 chúng tôi cũng sẽ đa dạng hóa bản tin dự báo vì hiện các ngành dùng chung bản tin nên hiệu quả phục vụ không cao", ông Sáp nói.
No comments:
Post a Comment