TP - Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó phòng Dự báo Hạn ngắn, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho rằng, Trung tâm đã đưa ra những bản tin về cơn bão cập nhật dự báo đúng về hướng đi, thời gian đổ bộ của bão số 1, không có chuyện cảnh báo vống cường độ của bão.
Tuy nhiên, lượng mưa thực tế có ít hơn so với dự báo của trung tâm.
Sóng biển ập vào Đồ Sơn (Hải Phòng). Ảnh: TTXVN. |
Trong bản tin phát đi lúc 16h ngày 17-7, Trung tâm mới thông báo bão đổi hướng di chuyển lên phía Bắc. Vì sao thông tin này không được đưa ra sớm hơn trong các bản tin trước đó?
Từ 7 giờ sáng ngày 17-7, chúng tôi đã ghi nhận được việc bão di chuyển lên phía Tây. Tuy nhiên, chúng tôi không phát đi thông báo bão chuyển hướng ngay, vì bão khác với người. Con người có thể đi thẳng nhưng bão khi di chuyển có lúc sang Đông, lúc chệch Tây. Nếu thấy bão đi theo hướng nào đó rồi thông báo ngay, sẽ gây hoang mang cho Ban chỉ huy PCLB các tỉnh và mất cảnh giác phòng chống.
Ông Hoàng Phúc Lâm . |
Có một số địa phương cho rằng thực tế cơn bão không mạnh như dự báo, việc cảnh báo đã được vống lên để đảm bảo độ an toàn trong việc dự báo?
Việc nâng mức dự báo cao hơn thực tế là không có. Giữa Thanh Hóa, Thái Bình ranh giới rất ngắn. Trong khi với hướng di chuyển của bão như vậy thì chỉ cần lệch 1 đến 2 độ là bão nằm sang tỉnh khác rồi. Với diễn biến thực tế của bão thì những người ở Quảng Ninh, Hải Phòng sẽ nhận thấy đúng như dự báo của chúng tôi.
Khi bão đổ bộ vào bờ, vành của cơn bão đi qua Thái Bình - Nam Định có mây ít nên mưa và gió ít hơn so với các địa phương khác. Số liệu quan trắc cho thấy cường độ của gió khi vào bờ mạnh cấp 12, giật tới cấp 17. Khi bão vào, tâm bão thường lặng gió hơn và người dân ở hai địa phương này không chịu ảnh hưởng nhiều như các nơi khác, nên không thể biết được diễn biến của bão ở các khu vực khác. Đó là những hiểu nhầm khó tránh khỏi.
Trong một cơn bão, tổ chức vòng mây của cơn bão cũng không phải như trong một vòng tròn khép kín mà có những khu vực gió mạnh, có khu vực gió yếu chứ không phải phân bố đều. Cường độ gió cũng có lúc mạnh, lúc yếu, lúc mưa to, lúc mưa nhỏ. Trong khi di chuyển, khu vực nào có mây dày đặc, mưa lớn và giông thì sẽ có gió rất mạnh.
Trung tâm vẫn dự báo mưa lớn sẽ đổ xuống phía Tây Bắc bộ và Hà Nội trong ngày 18-7 với lượng mưa lên tới 200 mm, cá biệt một số tỉnh miền núi có lượng mưa tới 300 mm. Nhưng thực tế điều này không diễn ra, ông nghĩ sao?
Đúng là mưa có ít hơn so với nhận định của chúng tôi. Bình thường mưa hoàn lưu sau bão, rất cao. Nhưng trong cơn bão này hầu như không còn mưa hoàn lưu sau bão do bão tan rất nhanh. Tuy nhiên, đến sáng 18-7 ở các khu vực phía Tây Bắc bộ vẫn còn dấu hiệu của mưa hoàn lưu sau bão và sẽ có mưa ở các vùng này trong đêm.
Theo ghi nhận của chúng tôi vào lúc 13h ngày 18-7, lượng mưa ở một số địa phương khá cao. Ở Nam Định lượng mưa đo được gần 140mm, Phủ Lý 144mm, Thái Bình 116,7 mm, Nam Định 161,3 mm, Sơn Tây 71,9 mm. Ở khu vực Tiên Yên, Móng Cái (Quảng Ninh) lượng mưa tới 180,7 mm, Cửa Ông 123,5mm. Lượng mưa ở Hà Nội chủ yếu từ 40 đến 70 mm, trong đó Sơn Tây cao nhất là 71,9 mm.
Còn để nói chính xác lượng mưa ở tỉnh này, tỉnh kia thế nào trong cơn bão thì không thể làm được. Cũng cần phải nói hiện toàn thế giới không thể dự báo được chính xác lượng mưa với độ chính xác tới +/- 20 mm.
Cảm ơn ông!
No comments:
Post a Comment